HỌC KỸ NĂNG GIAO TIẾP MỘT CÁCH KHÔNG THỂ DỄ HƠN

Chắc chắn bạn sẽ ao ước có những kỹ năng giao tiếp tuyệt vời khi nhìn thấy ai đó thuyết trình cảm động lòng người, nhanh chóng thuyết phục các nhà tuyển dụng chỉ với một vài câu nói hoặc xử lý êm đẹp những cuộc tranh cãi. Hãy yên tâm, TÔI sẽ giới thiệu cho bạn các thủ thuật làm chủ khả năng giao tiếp cơ bản để trở nên tự tin, thân thiện và thu hút trước mặt người khác.

Hiểu rõ kỹ năng giao tiếp cơ bản

1. Giao tiếp là gì?

Giao tiếp là quá trình truyền tín hiệu/thông điệp giữa người gửi và người nhận qua các phương thức khác nhau (chữ viết, lời nói và tín hiệu không thông qua lời nói). Giao tiếp cũng là cơ chế để chúng ta thiết lập và điều chỉnh các mối quan hệ.

2. Bạn có đủ sự tự tin – điều quan trọng quyết định kỹ năng giao tiếp?

Hãy tự tin rằng bạn là một người giúp cho buổi trò chuyện trở nên “mặn mà” hơn. Bạn nên dành thời gian đánh giá và hiểu rõ cảm xúc cùng với suy nghĩ của bản thân để có thể truyền tải chúng một cách triệt để cho người khác. Người ta thường do dự khi phát ngôn vì sợ lời nói của mình không đáng giá. Tuy nhiên, lời nói của bạn dù không quan trọng với một số người nhưng đối với số khác thì lại rất có giá trị đấy!

3. Yếu tố nâng cao kỹ năng: Luyện tập và điều chỉnh

Cho dù bạn muốn tiếp cận kỹ năng giao tiếp từ mức độ cơ bản hay nâng cao thì cũng hãy bắt đầu bằng các tương tác đơn giản (giao tiếp bằng ánh mắt, cử chỉ, tác phong...). Kỹ năng giao tiếp phải được thực hành hằng ngày trong các câu chuyện xã giao đến những buổi diễn thuyết trước nhân viên công ty.

Bên cạnh đó, mỗi khi học kỹ năng giao tiếp mới thì bạn luôn luôn cần thời gian để tối ưu hóa chúng thông qua việc liên tục sử dụng các kỹ năng này bổ trợ nhau. Trong quá trình đó, bạn lại học kỹ năng khác. Lặp lại vòng tuần hoàn này, bạn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi kết nối với người khác và các đối tác trong tương lai.

Luyện tập: Tiếp cận người mình muốn giao tiếp

1. Bài tập 1: Eye Contact – Giao tiếp bằng ánh mắt

Cho dù bạn đang là người nói hay người nghe, hãy luôn nhìn vào mắt của người mà mình trò chuyện để tối ưu hóa sự tương tác của cuộc nói chuyện. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả bằng ánh mắt có thể giúp bạn truyền tải tối đa hàm ý về sự quan tâm của mình đối với buổi trò chuyện và khích lệ đối phương đáp trả lại bằng một sự quan tâm tương tự.

Mẹo: Tập trung nhìn vào một con mắt của người đối diện sau đó chuyển sang con mắt còn lại sẽ tạo hiệu ứng long lanh cho đôi mắt của chính bạn. Nếu nhìn trực tiếp vào mắt người đối diện khiến bạn cảm thấy khó khăn thì bạn có thể thử tưởng tượng một chữ "T" trên khuôn mặt người nghe. Trong đó, thanh ngang là một đường qua lông mày và đường thẳng đứng dọc xuống trung tâm của mũi. Sau đó, hãy rảo đôi mắt của mình trong khu vực chữ "T" này.

2. Sử dụng cử chỉ

Cử chỉ ở đây bao gồm tất cả hành động của tay và khuôn mặt. Hãy điều khiển các cử chỉ của mình thật hợp lý để tạo hiệu ứng “cơ thể biết nói chuyện”. Điều này tăng sự sinh động trong bất kỳ phương thức giao tiếp nào. Bạn cũng hãy chỉ sử dụng cử chỉ vừa phải khi tương tác cá nhân và các nhóm nhỏ. Các cử chỉ sẽ có thể phóng khoáng hơn cho nhóm vừa và lớn.

3. Đồng bộ hóa ngôn từ và cử chỉ

Mỗi một câu chữ, cử chỉ, nét mặt và ngữ điệu của bạn phải trùng khớp với nhau từng chi tiết một. Nếu bạn đang kỷ luật ai đó trong khi mỉm cười thật tươi thì thực sự không phù hợp với ngữ cảnh một chút nào. Nếu bạn đưa ra một câu nói tích cực hay tiêu cực thì hãy nhớ chọn lựa thật chính xác các từ, cụm từ, biểu cảm và âm điệu phù hợp với câu nói đó.

 

4. Hãy sáng suốt nhận biết rõ những gì cơ thể bạn đang nói

Hàm ý trong ngôn ngữ cơ thể biểu hiện nhiều ý nghĩa hơn rất nhiều câu nói gộp lại. Tư thế đứng với cánh tay thư giãn ở hai bên hông cho mọi người xung quanh biết rằng bạn đang sẵn sàng tiếp chuyện và cởi mở để lắng nghe họ.

Mặt khác, tư thế khoanh tay thường mang ngụ ý không quan tâm đến cuộc trò chuyện hoặc không muốn giao tiếp. Thông thường, cuộc giao tiếp có thể bị dừng lại trước khi được bắt đầu chỉ bằng ngôn ngữ cơ thể của một cá nhân.

 

5. Thể hiện sự tin tưởng và thái độ xây dựng câu chuyện

Thái độ bạn mang đến một buổi giao tiếp có tác động rất lớn đến cách bạn tạo nên cuộc hội thoại và tương tác với người khác. Sự trung thực, kiên nhẫn, lạc quan, chân thành, tôn trọng, thấu hiểu và chấp nhận những người khác không những có vai trò quyết định kết quả của cuộc giao tiếp mà còn là mỗi mối quan hệ.

Mẹo: Bạn cần học cách lắng nghe cảm xúc và tin vào khả năng của người khác.

6. Lắng nghe – kỹ năng giao tiếp hiệu quả giúp bạn thành công

Lời nói khi được truyền tải từ người này sang người khác cần có ý nghĩa mạch lạc, dễ hiểu. Đồng thời, bất cứ ai tham gia cuộc hội thoại cũng cần phải biết lắng nghe lời nói của người khác. Tránh chen ngang khi người khác đang nói và hãy lắng nghe toàn bộ câu chuyện, cố gắng chờ cho đến lượt mình được nói. Điều này không những cho thấy bạn tôn trọng những người đối diện mà còn giúp bạn hiểu rõ nội dung của một buổi giao tiếp.

Điều chỉnh: Tự rèn luyện kỹ năng giao tiếp hiệu quả

1. Học cách phát âm dễ nghe

Luôn luôn nói rõ ràng và mở khẩu hình miệng vừa phải để câu chữ dễ nghe và tạo cảm giác thân thiện. Nếu mọi người xung quanh thường xuyên yêu cầu bạn lặp lại lời nói thì hãy cố gắng điều chỉnh câu từ để nói rõ hơn.

2. Phát âm từ một cách chính xác

Đây là một trong những yếu tố giúp lời nói của bạn thật dễ hiểu, nhất là lúc bạn nói một ngôn ngữ khác như tiếng Anh trong giao tiếp. Bên cạnh đó, cách phát âm cũng đánh giá một phần khả năng diễn đạt của bạn. Nếu bạn không chắc chắn về cách đọc của một từ thì đừng sử dụng từ đó. Nếu vẫn muốn sử dụng thì hãy tra cách phát âm của những từ bạn chưa biết đọc rõ trong từ điển.

 

3. Chọn đúng từ

Nếu bạn không chắc chắn về nghĩa của một từ, đừng vội sử dụng. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn xem từ điển và kiểm tra. Ngoài ra, hoạt động đọc sách với nhiều thể loại khác nhau cũng giúp bạn mở rộng "kho" từ vựng và trau dồi kiến thức về thế giới xung quanh.

Mẹo: biết nhiều điều sẽ làm cho bạn trở nên thông thái trong mỗi cuộc trò chuyện.

4. Nói với tốc độ vừa phải

Mọi người sẽ cảm thấy bạn lo lắng và không chắc chắn về bản thân nếu bạn nói quá nhanh. Tuy nhiên, nếu nói chậm lại thì hãy cẩn thận không chậm đến mức mọi người bắt đầu "mong mỏi" câu kết thúc của bạn hoặc chính họ đề nghị bạn kết thúc câu nói.

5. Phát triển giọng nói

Một giọng nói cao và mỏng manh thường sẽ không được đánh giá tốt. Trong thực tế, sở hữu giọng nói cao hoặc yếu có thể khiến bạn trở thành “một con mồi” để những đồng nghiệp hung hăng bắt nạt và xem thường.

Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy bắt đầu thực hiện các bài tập luyện thanh hạ thấp độ cao giọng nói của mình. Hãy thử hạ tông một bản nhạc khi hát và sau một khoảng thời gian, giọng nói của bạn sẽ bắt đầu giảm độ cao từ từ.

6. Mang sự sinh động trong giọng nói vào kỹ năng giao tiếp

Ngôn ngữ hình thể, cử chỉ, biểu cảm có thể tăng cường hiệu quả trong giao tiếp. Tuy nhiên, nếu lời nói không thể hiện cảm xúc thì bạn khó có thể làm cho cả cơ thể "biết nói” một cách sống động được. Vì vậy, bạn nên tránh cách nói đơn điệu (không biến hóa, giọng nói ngang) và sử dụng cách lên giọng hoặc xuống giọng hợp lý.

Thông thường, các MC rất giỏi trong việc điều khiển mức độ cao thấp trong giọng nói. Bạn có thể học hỏi cách truyền tải cảm xúc và chi phối bầu không khí từ những MC nổi tiếng như MC Quyền Linh, Trấn Thành hay gần đây nhất là Phí Linh trong The Voice Việt Nam 2018.

7. Sử dụng âm lượng vừa phải

Hãy sử dụng âm lượng phù hợp mỗi tình huống khác nhau. Nói nhẹ nhàng hơn khi bạn trò chuyện điện thoại hoặc nói chuyện riêng với bạn bè tại nơi công cộng. Nói to hơn khi bạn tổ chức các buổi họp và có thể bạn sẽ cần sử dụng âm lượng tối đa khi trò chuyện với những nhóm lớn hoặc trong không gian lớn.

Bài viết cùng danh mục